Hiện Ước mơ Việt được xem là trang web đầu tiên, và chính danh duy nhất của người Việt đang sinh sống trong nước, thúc đẩy phong trào tự do ngôn luận, bao gồm tự do thể hiện quan điểm chính trị, lên án chế độ độc đảng – độc tài, và ủng hộ đa đảng!
Chúng ta đang đề cập đến phong trào tự do ngôn luận, bao gồm tự do bày tỏ quan điểm về chính trị. Mục tiêu của phong trào là cùng tìm kiếm và trang bị kiến thức cho toàn dân để phục vụ quá trình chuyển đổi, trong hoà bình, từ chế độ độc tài, độc đảng sang xã hội tự do, dân chủ. Hay đây được tin là quá trình “đổi mới hệ thống chính trị” – theo cách gọi trong các Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt nam. Đồng thời, hy vọng phong trào cũng sẽ kêu gọi được người dân, đặc biệt là tầng lớp trí thức, cùng tìm kiếm và trang bị đầy đủ kiến thức đối với các nguy cơ phát sinh từ quá trình chuyển đổi vừa nêu, mà các nguy cơ như vậy có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Điều này bao gồm việc xác định nguồn gốc, cách phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ từ xa.
Kết quả của phong trào là người dân cảm thấy thoải mái khi chính danh thảo luận, và thể hiện công khai quan điểm cá nhân, về mọi vấn đề của xã hội, bao gồm quan điểm chính trị, mà không bị kỳ thị hay phân biệt đối xử. Các chủ đề mà người dân cảm thấy thoải mái trong thảo luận công khai có thể bao gồm ủng hộ đa nguyên, đa đảng; lên án chủ nghĩa độc tài; lên án những hành động đàn áp, tra tấn, vi phạm pháp luật nói chung, … (nếu có) được thực hiện bởi chính quyền Việt Nam.
Tất nhiên, người dân cũng có thể thoải mái thảo luận công khai và lên án việc tiếp tay cho chia rẽ, thù hận, kích động bạo lực và sử dụng vũ lực, hay những lời nói, hành động sai trái khác, từ những cá nhân, tổ chức đối lập với Đảng cộng sản, dù là trong hay ngoài nước.
Là giải pháp quan trọng nhất
Trong tất cả các giải pháp, tự do ngôn luận, bao gồm tự do thể hiện quan điểm chính trị, cần được xem là cánh cửa lớn mở ra phong trào và hiện thực hoá tự do, dân chủ nói chung. Đây cũng nên được xem là giải pháp lớn và quan trọng nhất cho quá trình “đổi mới hệ thống chính trị”, đã đề cập trong phần trước, tại Việt Nam.
Tại sao quan trọng nhất?
Quan trọng nhất được hiểu theo hai nghĩa, đó là tính thời điểm và thực trạng về tự do, dân chủ trong nước. Cụ thể hơn, chúng ta nên thừa nhận Việt Nam là quốc gia có trình độ thấp nói chung, bao gồm quyền tự do, dân chủ, quyền con người bị hạn chế, thậm chí bị vi phạm nghiêm trọng nói riêng. Dưới đây sẽ chi tiết hơn tính quan trọng của tự do ngôn luận theo thời điểm và hoàn cảnh riêng của Việt Nam.
Quan trọng theo thời điểm
Chúng ta đang đề cập đến lý do thứ nhất giải thích tại sao tự do ngôn luận lại quan trọng. Tự do ngôn luận nói chung, hay tự do bày tỏ quan điểm chính trị nói riêng, cần được thực hiện trước khi tiến hành bất kỳ một giải pháp nào khác mạnh hơn, nhằm trả lại dần các quyền cơ bản của con người – vốn thuộc về nhân dân. Bởi nếu không, ngay cả khi chúng ta, bao gồm chính quyền Việt Nam, có muốn triển khai thêm các giải pháp lớn khác, chúng đều trở nên vô nghĩa hoặc rất nguy hiểm.
Chẳng hạn, việc ban hành Luật biểu tình sẽ nguy hiểm nếu người dân chưa ý thức, và chưa kiểm soát được những nguồn gốc gây ra bạo lực, thậm chí có thể dẫn đến bạo loạn. Điều này sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm nếu người biểu tình bị những kẻ cơ hội, hoặc các lực lượng mang ý đồ thù địch kích động. Lập luận này hoàn toàn không mang tính bao biện, bạn dễ dàng thấy rằng các nguy cơ tồn tại rất khách quan.
Phù hợp hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam
Đây là lý do thứ hai khiến tự do ngôn luận nói chung, và tự do bày tỏ quan điểm chính trị nói riêng, rất quan trọng theo điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, bao gồm các yếu tố lịch sử mang tính đặc thù.
Không giống với nhiều quốc gia văn minh khác, như đã đề cập, Việt Nam chưa có quyền tự do, dân chủ thực sự. Cả hoàn cảnh lịch sử và hiện tại cho thấy: Nếu không cẩn thận, quá trình hiện thực hoá tự do dân chủ sẽ đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Điều này đã được xem xét cơ bản trong các bài viết liên quan đến đổi mới chính trị nhằm đa đảng. Ngay cả khi không rơi vào tình huống nghiêm trọng đi chăng nữa, thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ rất cao sẽ chuyển sang một chế độ độc tài khác, Nga là một trong những ví dụ điển hình. Bởi những kẻ cơ hội vốn rất nhiều. Mọi người dân đều cần ý thức và đạt được sự hiểu biết chung về những nguy cơ như vậy.
Những vấn đề nêu trên sẽ được giải quyết hiệu quả nhất với tự do ngôn luận, tập trung hơn vào tự do thể hiện quan điểm về chính trị. Bởi tự do ngôn luận sẽ giúp soi xét, phản biện, phê phán, hoàn thiện hơn các giải pháp tích cực, cũng như hoàn thiện các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, loại trừ nguy cơ và nguồn gốc của rủi ro, một cách công khai và rộng rãi.
Nói cách khác, chúng ta có thể lấy tự do, dân chủ từ các nước văn minh trên thế giới làm chuẩn. Nhưng cần phải có lộ trình và giải pháp thận trọng. Bởi việc việc thực thi ngay lập tức các chuẩn mực chung lại chính là các mối nguy hiểm.
Tham gia, đóng góp từ nhân dân
Tự do ngôn luận sẽ huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, trước hết là đội ngũ trí thức. Đóng góp của người dân sẽ theo cả hai hướng:
– Thứ nhất, đóng góp trí tuệ, nguồn lực, và phá bỏ rào cản để thúc đẩy quá trình tự do, dân chủ;
– Thứ hai, ngăn chặn từ xa mọi nguy cơ tiềm tàng dẫn đến những cái giá rất đắt.
Có lẽ bạn rất dễ dàng thừa nhận đóng góp quan trọng thứ nhất nêu trên. Vì vậy, nội dung tiếp theo sẽ giải thích thêm một chút về đóng góp thứ hai.
Chúng ta sẽ lấy một ví dụ đơn giản, dễ hiểu để minh hoạ. Chẳng hạn, không quá khó để nhận thấy các hành vi trộm cắp, hay hành vi xấu nói chung, thường xảy ra ở những nơi vắng vẻ, trong bóng tối, không ai biết đến, hoặc bị che đậy trước và sau khi thực hiện. Nói cách khác, phổ biến, những lời nói, hành động xấu, bạo lực hay phạm tội sẽ giảm hoặc triệt tiêu nếu bị “chỉ mặt đặt tên”, và bị lên án mạnh mẽ, một cách công khai trước công chúng.
Về cơ bản, không ai có thể phủ nhận được nhân dân có sức mạnh lớn hơn bất kỳ lực lượng nào khác trong xã hội. Điều này vẫn luôn đúng mặc dù chỉ sử dụng sức mạnh của ngôn luận và quyền công dân nói chung, mà không cần, hay không nên dùng bạo lực. Bởi đây là tình huống chống “kẻ thù trong”, chứ không phải “giặc ngoài”.
Trách nhiệm trong ngăn ngừa các mối nguy hiểm đối với xã hội thuộc về chính quyền. Tuy nhiên, sau khi người dân đã cùng nhau trang bị đầy đủ kiến thức bằng phong trào tự do ngôn luận như đã nêu trên, việc phát hiện và ngăn chặn từ xa các mối nguy hiểm như vậy sẽ hiệu quả hơn nhiều so với chỉ được thực hiện bởi chính quyền, cho dù họ có cả lực lượng an ninh, súng đạn, và nhà tù đi chăng nữa. Rõ ràng, người dân có quyền sống trong một xã hội hoà bình, ổn định, và phát triển. Vì vậy, họ cũng có quyền và nghĩa vụ trong ngăn chặn các nguy cơ gây mất ổn định xã hội.
Một lần nữa, lập luận nêu trên không nhằm bảo vệ, và cũng không nhằm phục vụ cho Đảng cộng sản hay chính quyền Việt Nam, mà là lập luận nhằm bảo vệ lợi ích chung.
Ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội
Thực ra, tự do ngôn luận, bao gồm tự do bày tỏ quan điểm chính trị, có hiệu quả lớn hơn nhiều, đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Tác động này cũng được thể hiện theo cả hai chiều hướng, bao gồm tác động phát triển tích cực và ngăn chặn các mặt tiêu cực.
Chẳng hạn, nếu không có tự do ngôn luận, sẽ không có tự do học thuật. Do vậy, hầu hết các nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội sẽ không có sáng tạo, và trở nên vô dụng. Bởi vì, theo thực trạng của Việt Nam hiện nay, chúng đều liên quan đến các rào cản chính trị, cho dù là các nghiên cứu về kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, môi trường, … Vì vậy, dường như hầu hết các dự án nghiên cứu thường chỉ là miếng mồi ngon cho tham nhũng, chứ không mang lại hiệu quả đáng kể nào. Thậm chí, chúng có tác động tiêu cực hơn là tích cực.
Nói cách khác, một khi không có tự do ngôn luận, sức sáng tạo của người Việt bị hạn chế rất lớn, và đương nhiên xã hội sẽ không thể phát triển.
Hiệu quả về lâu dài
Ở trên, chúng ta mới chỉ đề cập đến tầm quan trọng của tự do ngôn luận, bao gồm tự do thể hiện quan điểm chính trị, trước khi trả lại dần, và trả lại đầy đủ các quyền cơ bản khác của công dân. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận vẫn luôn đóng vai trò quan trọng đối với ổn định và phát triển xã hội ở mọi quốc gia, tại mọi thời điểm.
Có lẽ đây cũng là lý do giải thích tại sao về những nội dung trong Tu chính án thứ nhất của Hoa Kỳ. Đó là nghiêm cấm việc ban hành các văn bản pháp luật nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội của công dân. Hơn nữa, tự do ngôn luận vẫn luôn là vấn đề nóng hổi ở mọi xã hội văn minh, Hoa Kỳ không phải là ngoại lệ.
Ước mơ Việt hy vọng sẽ đóng góp tích cực vào phong trào tự do ngôn luận trên cơ sở tuân thủ Những nguyên tắc cốt lõi.