Bài viết sẽ trả lời chi tiết, và cụ thể hơn, về lý do tại sao thời gian qua, những người đối lập lại bị bắt trong một số vụ án chính trị điển hình. Nguyên nhân bị bắt không hẳn đã như chúng ta thường thấy “trên tivi”, bao gồm trên báo Công an Nhân dân. Mục đích là để bạn tránh bị ảnh hưởng khi chia sẻ bài viết, hoặc thực hiện các hoạt động liên quan đến chính trị. Hơn nữa, việc trả lời chính xác lý do còn giúp công chúng hiểu đúng, tránh tâm lý khiếp sợ dường như rất phổ biến khi bàn về đa đảng chính trị. Những trường hợp được lấy ví dụ để phân tích bao gồm luật sư Nguyễn Văn Đài, ông Phan Sơn Tùng, và thày giáo Nguyễn Năng Tĩnh. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể suy rộng dựa vào các lý do chung nhất, được trình bày ngay sau đây.
Chưa có luật điều chỉnh
Cụ thể hơn, Việt nam chưa có luật điều chỉnh về thành lập và hoạt động của các đảng phái chính trị. Nếu một cá nhân, tổ chức kêu gọi thành lập đảng mà không bị ngăn chặn, nhiều cá nhân, tổ chức khác cũng có thể làm theo. Khi đó, tình trạng sẽ trở nên rất phức tạp.
Khó khăn với cả chính quyền
Ai cũng biết rằng chính trị là lĩnh vực vô cùng nhạy cảm, đặc biệt là với các phát ngôn và hoạt động ủng hộ đa đảng, hay thành lập đảng chính trị. Hoạt động chính trị đối lập với Đảng cộng sản dưới dạng hội (nhóm), hoặc manh nha thành lập đảng, đều gây khó khăn không chỉ cho những cá nhân đối lập muốn hoạt động chính trị. Nói cách khác, ngay cả chính quyền Việt nam cũng gặp khó khăn. Bởi đơn giản, như đã đề cập, chúng ta chưa có luật điều chỉnh cụ thể về việc thành lập, hoạt động của các đảng phái chính trị.
Nếu bạn để ý ba trường hợp được lấy làm ví dụ, thày giáo Nguyễn Năng Tĩnh đâu có gì liên quan đến hội hay tổ chức? Nhìn bề ngoài là vậy, chúng ta sẽ phân tích kỹ hơn trong những phần sau.
Bị ngăn chặn từ xa
Dường như theo quan điểm của Đảng cộng sản, Nhà nước Việt Nam, tất cả các hoạt động như của luật sư Nguyễn Văn Đài, ông Phan Sơn Tùng, thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh nếu phát triển rộng sẽ gây nguy hiểm.
Quan điểm nêu trên của Đảng cộng sản đã được chi tiết trong các bài viết như Lý do Đảng không thể công khai chủ trương đa đảng, và Những cái giá rất đắt.
Luật sư Nguyễn Văn Đài
Chúng ta đang đề cập đến ví dụ thứ nhất, đó là trường hợp bị bắt giữ, xét xử, và cầm tù luật sư Nguyễn Văn Đài.
Đầu tiên, ông Nguyễn Văn Đài đã thành lập Hội anh em dân chủ, và đã thực hiện các hành động phát triển quy mô của hội. Điều này vẫn đúng cho dù ông ấy nói rằng lập hội ở nước ngoài. Trong khi đó, người ta có bằng chứng tin rằng ông Nguyễn Văn Đài đang tổ chức hoạt động đào tạo, tuyển hội viên trong nước.
Tiếp theo, sau khi đã được trả tự do để sinh sống tại Đức, ông Nguyễn Văn Đài thể hiện rất rõ thái độ thù địch, có thể bị xem là kích động bạo lực, dù chủ ý hay không chủ ý. Thái độ thù địch như vậy dường như đã được che dấu tốt hơn khi ông ấy đang sinh sống và làm việc tại Việt nam.
Đáng ra, ông Nguyễn Văn Đài nên bị xử lý theo Điều 3, Nghị định 45/2010 về vi phạm nguyên tắc công khai, minh bạch, có thể tuỳ thuộc thêm vào một vài quy định khác. Bạn biết rằng Nghị định này có cơ sở là Luật quy định quyền lập hội, ban hành theo Sắc lệnh số 102 năm 1957. Nhưng không thể xử lý theo cách đó. Bởi cách xử lý này, nếu không cẩn thận, sẽ chẳng khác nào công khai thừa nhận đa đảng đối lập. Điều này vi phạm chủ trương như đã nêu trong bài viết Lý do Đảng không thể công khai chủ trương đa đảng đã nêu trên.
Trường hợp của ông Phan Sơn Tùng
Có vẻ toàn bộ các kênh YouTube và Facebook của ông Phan Sơn Tùng đã bị xoá. Vì vậy, chúng tôi không có dữ liệu để phân tích các nội dung “tuyên truyền, đả kích, nói xấu chế độ, xuyên tạc sai sự thật về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam; Công kích lãnh đạo Đảng, Nhà nước”. Tất nhiên, chúng tôi cũng không thể đưa ra kết luận những nội dung như vậy có vi phạm pháp luật hay không.
Mặc dù vậy, với việc kêu gọi thành lập đảng, Phan Sơn Tùng đang đưa ra những thách thức đối với chính quyền trong hoạt động quản lý, vì chưa có luật cụ thể quy định.
Trong các bài viết trước, cũng như tại bài viết này, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm đây không hẳn đã là bị bắt giữ, cầm tù do vi phạm pháp luật. Nói cách khác, khả năng cao hơn là chính quyền Việt nam đang thực hiện các hành động ngăn chặn trước khi phong trào lan rộng dẫn đến các nguy cơ, như đã nêu trên. Chúng ta sẽ bàn luận kỹ hơn với ví dụ nữa ngay trong nội dung sau.
Trường hợp thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh
Trước hết, để hiểu thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh “nguy hiểm” như thế nào theo quan điểm của các cơ quan thuộc chính quyền Việt nam, chúng ta sẽ trích nguyên văn từ một bài viết trên báo Công an Nhân dân.
Nguyên nhân chính dẫn đến bị bắt
Ngay trong phần mở đầu, bài báo nêu trên đã viết:
“Nguyễn Năng Tĩnh còn lợi dụng danh nghĩa giáo viên dạy thanh nhạc để nhồi nhét tư tưởng lệch lạc cho thế hệ trẻ bằng cách dạy các cháu hát những bài hát có nội dung kích động chống chính quyền”.
Ngoài ra, trong phần nội dung còn có đoạn:
“Nghiêm trọng hơn, Nguyễn Năng Tĩnh còn lợi dụng danh nghĩa giáo viên dạy thanh nhạc để nhồi nhét tư tưởng lệch lạc cho thế hệ trẻ bằng cách dạy các cháu hát những bài hát có nội dung kích động chống chính quyền”.
Nói cách khác, một lần nữa, chúng ta nhấn mạnh nguyên nhân chính dẫn đến thày giáo Nguyễn Năng Tĩnh bị bắt là do đã dạy cho “các thế hệ trẻ … những bài hát có nội dung kích động chống chính quyền”.
Không đơn thuần chỉ là cá nhân?
Trước hết, thày giáo Nguyễn Năng Tĩnh là một người Công giáo. Mặc dù tình hình xung đột tôn giáo có vẻ ít được biết đến do bị kiểm duyệt. Tuy nhiên, dường như vấn đề tôn giáo không hề phẳng lặng như chúng ta nghĩ. Bạn chỉ cần google cụm từ tiếng Anh “religious freedom in Vietnam” (“tự do tôn giáo tại Việt Nam”).
Việc tổ chức cho lớp học hát một bài hát như vậy chắc chắn phụ huynh biết, không phải trước thì sau khi thày Nguyễn Năng Tĩnh bị bắt. Thông thường, nếu không đồng ý, phụ huynh có thể xem đây là hành động có ảnh hưởng nghiêm trọng đến con em họ. Thực tế, chúng ta có thể tin rằng, phổ biến phụ huynh sẽ lo sợ nếu con em họ được dạy những bài hát như thế. Do vậy người ta cũng nên tin rằng đáng lẽ đã có hành động phản đối, hoặc khởi kiện tập thể, từ phụ huynh đối với thày giáo Nguyễn Năng Tĩnh.
Tuy nhiên, người ta không thể tìm thấy thông tin nào về những hành động phản đối hoặc khởi kiện tập thể từ phụ huynh như vậy.
Câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Việc dạy hát chắc chắn phải có sự đồng ý, ngầm đồng ý, hoặc không phản đối của các phụ huynh?
Hơn nữa, sau khi đã bị bắt, người ta thấy rất nhiều nhóm phản đối việc bắt giữ, đòi trả tự do cho thày giáo Nguyễn Năng Tĩnh. Trong đó, dường như không ít nhóm người Công giáo cũng lên tiếng ủng hộ thày giáo và phản đối việc bắt giữ.
Vì vậy, câu hỏi thứ hai: Liệu có sự ủng hộ nào từ Công giáo, ít nhất là Công giáo địa phương đối với việc dạy bài hát trên của thày giáo Nguyễn Năng Tĩnh?
Đương nhiên sẽ dẫn đến câu hỏi thứ ba: Nếu không bị ngăn chặn, bài hát của thày giáo Nguyễn Năng Tĩnh liệu có lan rộng ra nhiều lớp học thành phong trào, ít nhất đối với người Công giáo?
Và câu hỏi thứ tư: Một khi phong trào lan rộng mà không bị ngăn chặn, tiếp theo sẽ là những hành động gì?
Nói cách khác, khả năng cao việc bắt giữ, cầm tù thày giáo Nguyễn Năng Tĩnh là một hành động ngăn chặn một tổ chức, trước khi trở thành phong trào gây nguy hiểm, chứ không đơn thuần chỉ là ngăn chặn một cá nhân.
Hiểu lầm rất phổ biến?
Tuy nhiên, sau những vụ bắt giữ và bị cầm tù nêu trên, thường là truyền thông, dẫn đến công chúng sẽ hiểu nhầm nguyên nhân chính họ bị bắt, cầm tù là vì “chống chính quyền”, vì “kêu gọi thành lập đảng đối lập”, hoặc vì “kêu gọi đa đảng”, …
Đây rõ ràng cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiểu lầm rất phổ biến đối với công chúng.
Không có gì được gọi là trái luật
Chúng ta sẽ lấy thêm một ví dụ cụ thể về việc tuyên truyền sai trái của báo chí về hành vi “bất hợp pháp”. Chẳng hạn từ một bài viết khác trên báo Công an Nhân dân có nội dung sau:
“… Phan Sơn Tùng đăng tải qua kênh “Vì Việt Nam thịnh vượng” 10 video clip với nội dung kêu gọi thành lập tổ chức bất hợp pháp với tên gọi “Đảng Việt Nam thịnh vượng” nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận”.
Đó là một nội dung tuyên truyền sai trái từ báo Công an Nhân dân. Bởi vì chẳng có luật nào cấm kêu gọi thành lập tổ chức, hay đảng phái chính trị, nên không có gì được gọi là “bất hợp pháp”. Liệu những hành vi tuyên truyền sai trái của đảng viên như vậy có cần phải bị xử lý theo Quy định 69 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm?
Nguy hại đến chủ trương của Đảng?
Chúng ta lưu ý rằng đó chỉ là một số trong rất nhiều ví dụ về việc tuyên truyền sai trái từ các cơ quan truyền thông của Đảng, Nhà nước Việt nam, dẫn đến hiểu lầm và khiếp sợ trong công chúng khi đề cập đến đa đảng. Điều này gây nguy hại rất lớn cho chủ trương của Đảng cộng sản về Đổi mới hệ thống chính trị, cũng như chủ trương trả lại tự do, và trả lại đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân.
Đương nhiên, họ cũng gây nguy hại rất lớn đến lợi ích của nhân dân nói chung.
Lời kết và bài học
Nhìn chung, khi tham gia chia sẻ bài viết hoặc thực hiện các hoạt động chính trị, bạn nên chú ý đến lợi ích chung. Điều này đã được mô tả trong Tầm nhìn, Sứ mệnh, và Những nguyên tắc cốt lõi của Ước mơ Việt. Mặt khác, bạn nên chú ý đến các nguy cơ từ chính hoạt động của mình, mà các hoạt động này, khi phát triển thành phong trào lớn, có thể tiềm ẩn các nguy cơ nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Ngoài ra, các cơ quan của Đảng cộng sản, Nhà nước Việt nam, đặc biệt là hệ thống truyền thông, cần phải lưu ý đến việc tuyên truyền sai trái gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân. Hay họ cũng đang gây nguy hại đến chính chủ trương của Đảng cộng sản.
0 Lời bình