Nội dung chính của bài viết này sẽ đề cập đến những lời nói và hành động không phù hợp từ người đối lập. Không phù hợp là vì chúng có thể dẫn đến huỷ hoại phong trào tự do, dân chủ tại Việt nam, chứ không hề có đóng góp tích cực.
Hơn thế, những nội dung trong bài viết còn nhằm làm rõ hơn tư tưởng sai lầm, thậm chí nguy hiểm. Phần cuối của bài viết hy vọng sẽ là một vài gợi ý hữu ích với những người đối lập, đặc biệt là những người lên tiếng đối lập ở nước ngoài.
Những hành động mà người đối lập nên cân nhắc không thực hiện sẽ được đề cập chi tiết ngay sau đây:
Biểu dương bằng cờ vàng
Cờ vàng có ba sọc đỏ là quốc kỳ của Việt nam Cộng hoà. Khi người đối lập dùng cờ này để biểu dương, nó chỉ gợi lại sự chia rẽ hai miền Nam – Bắc, và gợi lại chiến tranh trong quá khứ. Nói cách khác, người ta rất dễ hình thành quan điểm rằng quý vị đang muốn tiếp tục chia rẽ hai miền.
Một phần, hành động nêu trên tạo ra sự đối đầu với chính quyền, dẫn đến hiển nhiên sẽ bị ngăn chặn. Hoặc ít nhất, chính quyền Việt nam sẽ xem đó là lực lượng thù địch. Nhưng có lẽ đa số người Việt trong nước cũng có ác cảm với những người đối lập thực hiện các hành động như vậy. Bởi đơn giản, không ai thích, thậm chí ai cũng ghét chiến tranh, ai cũng khiếp sợ những gì đã từng xảy ra trong quá khứ. Hẳn là ký ức kinh hoàng của những thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh vẫn còn nguyên vẹn? Đó là lý do tại sao chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng đa số người dân sẽ không ủng hộ việc biểu dương bằng cờ vàng. Nói cách khác, người ủng hộ vẫn có, nhưng chẳng qua chỉ là thiểu số.
Một khi chưa có tự do, dân chủ thực sự, các bạn không nên biểu dương bằng cờ vàng. Bởi vì việc này gây bất lợi nhiều hơn là có lợi cho phong trào tự do, dân chủ và hoà bình của Việt nam. Sau khi đã có tự do, dân chủ thực sự rồi, việc biểu dương bằng cờ vàng bên trong lãnh thổ Việt nam để ca ngợi những phần hiện thực tốt đẹp của chính quyền Việt nam Cộng hoà vẫn chưa muộn. Nhưng trước mắt là không phù hợp.
Tham gia chính phủ lưu vong
Tôi không có ý mỉa mai hay châm biếm khi sử dụng từ “lưu vong”. Bởi vì đơn giản là chưa tìm được ngôn từ nào ngắn gọn để thay thế cho thích hợp hơn. “Chính phủ lưu vong” ở đây có nghĩa là chính phủ được thành lập ở nước ngoài, mà những người tham gia thành lập có mục đích thay thế chính quyền Việt nam hiện tại, hoặc khôi phục chính quyền Việt nam Cộng hoà.
Cũng giống như sử dụng cờ vàng, hành động thành lập và tham gia chính phủ lưu vong chắc chắn bị hiểu là mang tính thù địch với chính quyền Việt nam. Hơn thế, vì gợi lại chiến tranh, mang, hoặc bị hiểu lầm mang ý đồ chiến tranh, nên có vẻ phổ biến người dân Việt nam sẽ không chào đón.
Tư tưởng lệ thuộc vào phương Tây
Sẽ không vấn đề gì nếu người đối lập gây áp lực cho phương Tây, từ đó tạo áp lực lên chính quyền Việt nam liên quan đến vấn đề tự do, dân chủ và quyền con người nói chung. Nhưng nếu mang tư tưởng lệ thuộc vào phương Tây, hay lệ thuộc vào nước ngoài, sẽ là một sai lầm lớn.
Bất kỳ quốc gia hay dân tộc nào trên thế giới cũng muốn độc lập, theo nghĩa rộng, cho dù chỉ tương đối. Đó là lý do tại sao chính quyền Việt nam thường lên án chính phủ nước ngoài can thiệp nội bộ, bao gồm vấn đề nhân quyền. Người Mỹ cũng có lịch sử can thiệp vào các quốc gia khác, bao gồm chiến tranh, hoặc trực tiếp tham gia đảo chính bởi CIA. Hơn thế, Việt nam cũng có một lịch sử can thiệp từ nước ngoài, cùng với đó thường là chiến tranh. Nói cách khác, việc phản đối của chính quyền Việt nam liên quan đến các hành động can thiệp của nước ngoài là hoàn toàn dễ hiểu. Đây không phải chỉ vì lợi ích của riêng họ, mà xa hơn, còn là vì lợi ích của nhân dân nói chung.
Cụ Phan Châu Trinh đã từng đưa ra kết luận để gửi tới đồng bào:
Vậy xin có lời chính cáo người nước ta rằng: “Không bạo động, bạo động thì tất chết. Không trông cậy người ngoài, trông cậy người ngoài thì tất ngu”.
Nhận thức tư tưởng lệ thuộc vào phương Tây không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chẳng hạn, nhiều “chuyên gia” cho rằng khi nâng cấp hợp tác song phương lên chiến lược toàn diện, Mỹ sẽ giúp Việt nam chống lại Trung Quốc. Điều này là sai, vì cứ như thể thiếu Mỹ thì Việt nam không có khả năng tự bảo vệ đất nước. Nâng cấp quan hệ với Mỹ có thể giúp nâng cao vị thế của Việt nam, trong đó có năng lực quốc phòng. Nhưng phải luôn đặt vai trò của chính nhân dân Việt nam lên trên trong việc chống lại kẻ thù và bảo vệ tổ quốc, chứ không phải người Mỹ. Lịch sử 4000 năm của Việt nam đã chứng minh thực tế vừa nêu.
Ngay cả khi Mỹ đóng góp vào việc nâng cao năng lực quốc phòng cho Việt nam để vững vàng hơn trước một Trung Quốc đầy hung hăng, thì chính quyền Việt nam cũng sẽ không bao giờ thừa nhận một cách công khai. Bởi thừa nhận công khai sẽ gây căng thẳng, làm sâu sắc thêm mối quan hệ thù địch với Trung Quốc, chứ chẳng có lợi lộc gì, đối với bất kỳ ai. Không sợ Trung Quốc, nhưng thật ngớ ngẩn nếu thực hiện các tuyên bố khiến họ khoét sâu thêm thái độ và phản ứng thù địch.
Ngăn chặn hợp tác quốc tế
Như đã đề cập, việc yêu cầu quốc tế gây áp lực với Nhà nước Việt nam về quyền con người là cần thiết. Nhưng không nên ngăn chặn hợp tác quốc tế.
Đôi khi, những người đối lập thực hiện ngăn chặn bằng cách biểu tình hoặc lên truyền thông phản đối các chính sách mà phương Tây áp dụng có lợi cho Việt nam. Hiển nhiên, trong các mối quan hệ hợp tác đó, các bên cùng có lợi. Ở những trường hợp nhất định, họ gặp gỡ trực tiếp để thể hiện sự phản đối mạnh mẽ hơn. Đây có vẻ cũng là một ví dụ về tư tưởng lệ thuộc vào phương Tây của những người đối lập.
Đó có thể là họ phản đối các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương. Những người đối lập mong muốn ngăn chặn vì cho rằng những chính sách như vậy có lợi cho một nền đảng trị.
Tuy nhiên, trước hết, bạn đã biết về chủ trương Đảng đổi mới nhằm đa đảng. Hơn thế, chúng ta đều biết rằng “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nói cách khác, khi Việt nam càng thắt chặt hợp tác với phương Tây hoặc các nước tư bản nói chung, sẽ càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phong trào tự do, dân chủ. Đồng thời, việc hợp tác với phương Tây như vậy còn làm giảm sự phụ thuộc của Việt nam vào Trung Quốc. Cho dù chính quyền Việt nam không công khai, nhưng Trung Quốc cũng thừa hiểu họ đang mất dần đồng minh, trong khi Việt nam vẫn mạnh mẽ hơn khi có thêm các mối quan hệ hợp tác quốc tế đáng tin cậy.
Kêu gọi hoạt động bí mật
Hiện chúng ta vẫn thấy những lời kêu gọi hoạt động chính trị bí mật trong nước một cách có tổ chức. Khá đơn giản, phải hoạt động bí mật chẳng qua là người ta sợ bị chính quyền bắt giữ và cầm tù. Trong một số trường hợp, hoạt động bí mật được che dấu dưới một hình thức nào đó, như môi trường, nhân quyền, … Nhưng về cơ bản, “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”.
Hơn thế, càng tỏ ra bí mật thì lại càng thu hút sự chú ý. Tương tự, càng dấu diếm thì lại càng bị nghi ngờ. Trong khi chính quyền Việt nam rất đề cao cảnh giác về những hoạt động như vậy. Nói cách khác, nếu cố tình vi phạm luật, sớm hay muộn cũng sẽ bị bắt giữ, thậm chí tù đày.
Khi đấu tranh chính trị, chúng ta nên chú ý đến an toàn không chỉ cho bản thân, mà còn bao gồm an toàn cho những người tham gia. Hơn tất cả, đó là trách nhiệm công dân theo Hiến pháp.
Tuyên truyền sai sự thật
Trong nhiều trường hợp còn là cố tình bịa đặt. Chẳng hạn, việc tuyên truyền lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt nam “bán nước” hay “bán đất” cho Trung Quốc là hoàn toàn không có căn cứ. Thậm chí, nó rất trái ngược với thực tế chiến tranh biên giới phía Bắc, và biên giới Tây Nam – trực tiếp liên quan đến Trung Quốc. Tương tự, kết luận như vậy cũng trái ngược với những tuyên bố công khai của lãnh đạo cấp cao trong Đảng cộng sản, như tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng, và ông Lê Duẩn. Theo đó, những vị lãnh đạo này thường rất cảnh giác với mưu đồ từ phía nhà cầm quyền Trung Quốc. Ở những trường hợp nhất định, đó có thể “đơn giản” chỉ là nhượng bộ để đổi lấy hoà bình.
Tuyên truyền sai sự thật, thiếu căn cứ để lên án chính quyền Việt nam đương nhiên rất dễ thu hút sự tham gia của những người vốn đã chán ghét Đảng cộng sản. Ai cũng biết nhiều người đã chán ghét Đảng cộng sản, tôi cũng là một người như vậy. Nhưng không vì thế mà tuyên truyền sai sự thật, hay tuyên truyền dối trá. Bởi nếu làm như vậy, chúng ta đâu có khác về bản chất dối trá và mị dân?
Nguyên tắc chung
Ở trên chỉ là một số ví dụ nổi bật về lời nói, hành vi của người đối lập có thể gây bất lợi lớn cho phong trào tự do, dân chủ tại Việt nam. Chúng có điểm chung là tạo ra các nguy cơ về Những cái giá rất đắt, đáng sợ nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền hoà bình trong nước. Điều này chỉ gây hại, bởi vì như bạn đã biết, hoạt động của người đối lập càng có tính thù địch, thì chính quyền càng thắt chặt tự do, giống như một hành động phòng vệ.
Về nguyên tắc chung, người đối lập cần chú ý tránh các nguy cơ gây ra Những cái giá rất đắt đã nêu trên khi tính toán các hành động về mặt dài hạn.
Đó là chưa kể đến mối liên hệ của các hành động sai lầm từ người đối lập dẫn tới những tuyên truyền sai do không hiểu bản chất thực sự của vấn đề, cả từ phía chính quyền Việt nam và người đối lập. Một số ví dụ đã được giới thiệu trong bài viết Những hiểu lầm phổ biến về lý do tại sao họ bị bắt.
Cuối cùng, nếu mong muốn dẫn dắt phong trào tự do, dân chủ tại Việt nam, có lẽ bạn nên tập trung nhiều hơn vào phần giải pháp. Trong đó lưu ý những ảnh hưởng tiêu cực đến hoà bình và ổn định lâu dài. Điều này đặc biệt đúng khi bạn là người đối lập ở nước ngoài. Bởi trong môi trường như vậy, và nếu quá tập trung lên án theo hướng cực đoan, trước hết, bạn chỉ đặt mình vào tình huống đối đầu với chính quyền ngày càng nặng. Nhưng tệ hại hơn, xu hướng là bạn cũng sẽ thu hút ngày càng nhiều người dân trong nước chống lại. Vì sao xuất hiện tình trạng này? Khá đơn giản: Có vẻ phổ biến sẽ tin rằng bạn đang sinh sống trong môi trường tốt hơn, an toàn hơn, còn hậu quả nếu xảy ra thì người dân trong nước mới chính là những người phải gánh chịu. Ước mơ Việt cũng sẽ tham gia chuyển tải thông điệp chống lại các xu hướng cực đoan đã nêu trên của những người đối lập ở nước ngoài.
0 Lời bình