Nhìn bề ngoài, Việt Nam có vẻ khá yên bình. Nhưng thực tế, đó dường như là một quả bom nổ chậm, và sẽ bùng phát một khi bị châm ngòi. Nếu không tìm cách tháo gỡ, điều này gần như chắc chắn sẽ xảy ra, người ta chỉ không thể đoán biết được thời điểm và trong hoàn cảnh nào. Khả năng rất cao, các mối quan hệ, trong đó một bên là chính quyền, vẫn đang có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Tương tự, có vẻ điều các bên đang làm là leo thang căng thẳng, chứ không phải hạ nhiệt. Theo đó, những mục tiêu lớn liên quan đến tự do, dân chủ cũng không có cơ hội được cải thiện.
Tuy nhiên, quá trình đổi mới hệ thống chính trị nhằm đa đảng, được tin là hành động “tháo ngòi”, để khắc phục những vấn đề nêu trên cũng tiềm ẩn nguy cơ “phải trả giá đắt, có khi không cứu vãn được”. Đây là những nguy cơ đang thực sự tồn tại, một cách khách quan, chứ không hề bao biện. Nếu không cẩn thận, nguy cơ này sẽ trở thành hiện thực xuất phát từ chính quá trình Đảng đổi mới nhằm đa đảng. Bạn đã biết rằng đổi mới ở đây là chuyển đổi hệ thống chính trị một đảng sang đa đảng, được chứng minh dựa trên các Văn kiện Đảng và tài liệu của Hội đồng Lý luận Trung ương.
Những mâu thuẫn tiềm ẩn nguy hiểm
Dường như rất nhiều người trong chúng ta không ý thức được nguy cơ, thậm chí nặng sẽ là xung đột vũ lực, phần lớn còn ở dạng tiềm tàng. Những xung đột như vậy có thể là mang tính tôn giáo, sắc tộc, chính trị, … Tất nhiên, thường giữa chúng có sự đan xen. Nói cách khác, có vẻ bất kỳ cuộc xung đột tôn giáo nào cũng đều mang thêm “màu sắc” chính trị. Hiện các mối quan hệ này vẫn đang rất phức tạp.
Nhưng điểm nổi bật nhất vẫn là xung đột và căng thẳng giữa người dân với chính quyền.
Nói riêng về tôn giáo, chẳng hạn, bạn tìm hiểu mối quan hệ giữa Đảng (Việt Minh), Nhà nước Việt Nam với Phật giáo Hoà Hảo từ năm 1947, sau cái chết của ông Huỳnh Phú Sổ, cho đến nay. Vấn đề tôn giáo được cụ thể hơn với trường hợp của thày giáo Nguyễn Năng Tĩnh, nêu trong bài viết Những hiểu lầm phổ biến về lý do tại sao họ bị bắt.
Trả rất đắt nếu không đa đảng
Có vẻ những vấn đề như trên đã bùng phát thành đối đầu vũ lực, chẳng hạn như vụ nổ súng vào Trụ sở công an các xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Nhưng nếu vậy, đây cũng chỉ là một trong nhiều ví dụ về xung đột mang tính sắc tộc, có thể kết hợp với tính tôn giáo, giữa người dân và chính quyền.
Nói riêng về vụ nổ súng tại hai xã vừa nêu, có những nguồn tin cho rằng đây là kết quả của xung đột ở Tây Nguyên diễn ra từ nhiều thập kỷ, rồi mâu thuẫn đất đai, … Về cơ bản, những lập luận như vậy là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, như đã đề cập, đó chỉ là một vài ví dụ. Những nguy cơ, hay xung đột sắc tộc, tôn giáo, chính trị, phổ biến vẫn còn ở dạng tiềm tàng. Ngoài ra, dường như chúng mang tính lịch sử rất rõ nét, đôi khi, thậm chí rất phổ biến, là một lịch sử đầy thù địch.
Nổi bật nhất về lịch sử đầy thù địch là giữa người cộng sản và những người thuộc, hoặc ủng hộ chế độ Việt nam Cộng hoà.
Mặc dù vậy, những điều đã biết và công khai có vẻ mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nói cách khác, nếu không tiến hành đổi mới hệ thống chính trị kịp thời, hay đa đảng, cái giá rất đắt vẫn luôn tiềm ẩn. Cụ thể hơn, một khi quá trình này không được thực hiện, mâu thuẫn xã hội sẽ ngày càng trở nên gay gắt. Tương tự, khi nào hệ thống chính trị một đảng vẫn còn tồn tại, Việt nam còn tiếp tục phải trả giá đắt liên quan đến tình trạng tham nhũng đang nhức nhối, tình trạng xuống cấp về giáo dục, cũng như xuống cấp về đạo đức xã hội, làm mất niềm tin trong nhân dân, …
Nếu xảy ra một tình huống không thể đoán trước, nguy cơ phải trả giá rất đắt sẽ biến thành sự thật ở bất kỳ thời điểm nào trong tương lai.
Đe doạ từ chính quá trình đổi mới
Như bạn đã biết, Đảng cộng sản, Nhà nước Việt nam đang có chủ trương đổi mới hệ thống chính trị. Chúng ta đã chứng minh một cách có cơ sở rằng bản chất của quá trình này là chuyển đổi hệ thống chính trị một đảng sang đa đảng.
Nhưng nếu không cẩn thận, chính quá trình này cũng sẽ trực tiếp dẫn đến cái giá rất đắt, có khi không cứu vãn được như đã nêu rõ trong bài viết Lý do Đảng không thể công khai chủ trương đa đảng.
Sẽ không thể cứu vãn
Những ví dụ ở trên cho thấy phần nào cái giá phải trả rất đắt, nhưng vẫn còn ở quy mô nhỏ, hoặc không quá nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. Nhưng nếu như có cơ hội bùng phát trên quy mô lớn, người dân sẽ phải trả giá đắt hơn gấp nhiều lần.
Bạn đã thấy rằng những nguy cơ như vậy cũng đã được nhấn mạnh nhiều lần, khả năng cao tình huống không cứu vãn được sẽ tương ứng với nội chiến, hay một xã hội loạn lạc. Khi đó, chẳng có ai chiến thắng, tất cả đều thất bại thảm hại, mọi người dân đều chịu hậu quả rất nặng nề.
Cả hai đều quan trọng
Cả mục tiêu tự do, dân chủ và giảm thiểu, triệt tiêu nguy cơ dẫn đến các tình huống phải trả giá đắt, phát sinh từ quá trình hiện thực hoá đa đảng, tự do, dân chủ, đều là những vấn đề quan trọng hàng đầu của quốc gia. Thậm chí, nên chú ý nhiều hơn đến nguy cơ. Bởi vì không người dân nào chấp nhận đánh đổi một cái giá rất đắt như vậy. Hoặc một khi đã xảy ra, có hối cũng không còn kịp nữa.
Liệu có cùng mục tiêu?
Nếu quan sát kỹ hơn, dường như cả Đảng cộng sản và các bên đối lập, bao gồm đối đầu, đều có chung một mục tiêu, chỉ là cách làm có thể khác nhau. Tất nhiên, điều này không hẳn đã đúng cho mọi trường hợp, vì vẫn có những cá nhân mong muốn trả thù.
Mục tiêu chung đó là hoà giải, hoà hợp, đoàn kết dân tộc vì một đất nước hoà bình và phát triển thịnh vượng. Thực ra, tự do, dân chủ và đa đảng mặc dù có thể xem là mục tiêu, nhưng dường như cũng chỉ là một giải pháp lớn cho mục tiêu chung lớn hơn vừa nêu. Hoặc ít nhất, giữa chúng có sự bổ trợ rất lớn.
Sai lầm là bình thường?
Hiển nhiên, ai cũng biết rằng đang có một sự đối lập hoàn toàn giữa hiện thực và chủ trương, hay lý tưởng của Đảng cộng sản. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, thậm chí phải quay trở lại lịch sử tới nhiều thập kỷ để giải thích. Sự bất lực của Đảng, Nhà nước Việt nam có thể được xem là một trong những nguyên nhân chính. Chẳng hạn, lãnh đạo trung ương không kiểm soát được hành vi của cấp địa phương, cho dù có cả luật và quy định kỷ luật đối với đảng viên.
Sẽ dễ dàng giải thích hơn nếu chúng ta quan sát môi trường xã hội xung quanh. Mục tiêu của gia đình; tổ chức, như công ty chẳng hạn; thường rất lý tưởng. Nhưng thứ chúng ta đạt được có khi ngược lại hoàn toàn. Tuy nhiên, sẽ rất khó cảm nhận và đánh giá nếu chúng ta chưa từng chịu trách nhiệm lãnh đạo một tổ chức, hay một nhóm nhiều người? Điều này vẫn đúng đối với mọi cá nhân. Nói cách khác, mỗi cá nhân chúng ta còn khó kiểm soát được hành động và giải pháp để đạt mục tiêu, mà tương tự, mục tiêu này cũng thường mang tính lý tưởng.
Vì vậy, nếu một tổ chức khổng lồ như Đảng cộng sản, Nhà nước đang lãnh đạo, kiểm soát hàng triệu đảng viên, và hàng trăm triệu người dân, nếu mắc sai lầm, thậm chí sai lầm lớn, chẳng phải là chuyện rất bình thường? Điều quan trọng còn lại, chúng ta có giải pháp khắc phục như thế nào trong tương lai?
Chú ý đến cái giá rất đắt
Ước mơ Việt nhắc đi nhắc lại “những cái giá rất đắt, có khi không cứu vãn được” một cách có chủ ý. Bởi phần lớn chúng ta bỏ qua điều tối quan trọng này.
Nếu không chú ý đến việc gây nguy hiểm về dài hạn cho cộng đồng, những người đối lập mang nguy cơ tiềm ẩn sẽ bị chính quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ rất xa, trước khi họ thực sự gây ra nguy hiểm. Thực tế mà nói, nếu phân tích các vụ án chính trị, chưa hẳn họ đã phạm luật, mà dường như luật chỉ được dùng để hợp pháp hoá việc ngăn chặn các nguy cơ tiềm tàng.
Như vậy, điều quan trọng rút ra từ bài viết này là chúng ta cần phải chú ý đến cả mục tiêu và những rủi ro nghiêm trọng, dù mới chỉ là nguy cơ trong dài hạn. Ngay cả việc hiểu nhầm đôi khi cũng dẫn đến hậu quả rất tai hại. Nói cách khác, chúng ta cần tìm và triển khai các giải pháp, mà các giải pháp này phải cân bằng được giữa việc đạt mục tiêu và loại trừ tác động nguy hiểm không mong muốn. Hiện tại, dường như trong rất nhiều trường hợp, chúng nằm ngoài khả năng nhận thức của mỗi bên. Vì vậy, có vẻ nâng cao nhận thức cũng là một yêu cầu lớn trong quá trình hiện thực hoá đa đảng, tự do, và dân chủ.
0 Lời bình