Lý do Đảng không thể công khai chủ trương đa đảng?

bởi | Th7 22, 2023

Chúng ta đã chứng minh rằng Đảng đổi mới nhằm đa đảng. Bạn cũng đã biết rằng theo các Văn kiện, mục tiêu quan trọng nhất là hướng đến tự do, dân chủ và đoàn kết dân tộc. Khi đó, câu hỏi được đặt ra là: Vì sao Đảng chỉ có thể ngầm thừa nhận mà không thể công khai chủ trương đa nguyên, đa đảng? Nhưng trước tiên, trong bài viết, việc dựa trên quan điểm của Đảng cộng sản để lập luận không nhằm bảo vệ, cũng không nhằm ủng hộ chế độ chính trị hiện nay. Nói cách khác, điều tối quan trọng là quá trình chuyển đổi như vậy phải đảm bảo nền hoà bình, và duy trì ổn định xã hội. Sẽ được đề cập chi tiết hơn trong phần sau.

Lý do không thể công khai?

Trả lời cho câu hỏi này, những nội dung dưới đây được trích từ Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá VI:

Trong điều kiện nước ta hiện nay không có sự cần thiết khách quan để lập nên cơ chế chính trị đa nguyên, đa đảng đối lập. Thừa nhận đa đảng đối lập có nghĩa là tạo điều kiện cho sự ngóc đầu dậy ngay tức khắc và một cách hợp pháp các lực lượng phản động, phục thù trong nước và từ nước ngoài trở về hoạt động chống Tổ quốc, chống nhân dân, chống chế độ. Đó là điều mà nhân dân ta dứt khoát không chấp nhận”.

Có lẽ đoạn trích trên đã trả lời đầy đủ cho câu hỏi. Cho dù đó là quan điểm của Đảng cộng sản đi chăng nữa, và nếu bỏ qua ngôn từ có vẻ “rất khó nghe”, nhưng bạn thấy rằng nguy cơ cũng đang tồn tại rất khách quan.

Trong tình hình Việt nam hiện nay, chỉ cần lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản, Nhà nước Việt nam công khai tuyên bố đa đảng, đó chính xác là một thảm hoạ đối với an ninh quốc gia.

Dẫn đến hậu quả nghiêm trọng?

Nếu công khai thừa nhận trong những điều kiện không phù hợp như hiện nay, có thể dẫn đến “xảy ra sai lầm sẽ phải trả giá rất đắt, có khi không cứu vãn được” – câu in đậm, trích từ Báo cáo chính trị Khoá VII:

“Trong việc đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị, chúng ta đã đi những bước thận trọng và vững chắc, bắt đầu từ giải quyết những vấn đề cấp bách nhất và đã chín muồi, với nhận thức đây là việc rất cần thiết nhưng đặc biệt phức tạp, nhạy cảm và nếu vội vã để xảy ra sai lầm sẽ phải trả giá rất đắt, có khi không cứu vãn được”.

Như đã từng đề cập, khả năng cao, nếu để xảy ra sai lầm, cái giá rất đắt, thậm chí không cứu vãn được, sẽ đến trước hết với các đảng viên. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm không chỉ dừng lại ở đó. Nói cách khác, cái giá rất đắt dường như liên quan đến đến an ninh quốc gia, hay ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nói chung. Sự suy yếu, hay sụp đổ tức thời của Đảng cộng sản gần như chắc chắn sẽ dẫn đến tình huống tệ hại nhất là nội chiến. Thứ khủng khiếp đã từng xảy ra rất nhiều lần trong lịch sử Việt nam, bao gồm nội chiến Bắc – Nam vào nửa sau của thế kỷ 20. Vấn đề này đã được chi tiết hơn trong bài Những cái giá rất đắt.

Phá hoại Đảng từ bên trong

Đây là lý do thứ nhất dẫn đến cái giá phải trả là rất đắt – đã nêu trên. Nội dung từ Báo cáo chính trị Khoá VII tiếp tục được trích dẫn như phía dưới, “phá hoại Đảng từ bên trong” được in đậm:

“… Các thế lực chống chủ nghĩa xã hội và độc lập dân tộc luôn chĩa mũi nhọn vào Đảng, tập trung sức phá hoại nền tảng tư tưởng và tổ chức của Đảng. Thủ đoạn họ thường dùng là xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phủ nhận sự hy sinh và công lao của những người cộng sản, thổi phồng sai lầm, khuyết điểm của Đảng, đòi thực hiện nhân quyền và dân chủ kiểu tư sản, đòi phi chính trị hóa bộ máy nhà nước, đòi đa nguyên, đa đảng nhằm tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Họ lợi dụng những kẻ cơ hội, phản bội về chính trị, hoặc thoái hóa về phẩm chất đạo đức để chia rẽ, làm suy yếu, phá hoại Đảng từ bên trong”.

Có lẽ chúng ta không nên tập trung quá nhiều vào câu từ trong đoạn trích trên, chẳng hạn câu “đòi thực hiện nhân quyền và dân chủ kiểu tư sản”. Quan trọng hơn, như đã từng đề cập, nếu Đảng cộng sản suy yếu hay sụp đổ tức thời, có thể dẫn đến một xã hội loạn lạc, thậm chí tệ hại nhất sẽ là nội chiến.

Chẳng hạn, nếu không cẩn thận, sự tham gia và đối đầu giữa các lực lượng quân đội là một trong những tình huống không thể cứu vãn được. Ở Việt nam, dường như tình huống đảo chính hiếm khi, thậm chí không được đề cập. Tuy nhiên, tình huống nguy hiểm này hiện vẫn đang được cả thế giới thảo luận có nguy cơ rất cao tại Nga và Trung Quốc. Bạn biết rằng chế độ chính trị của Việt nam giống hệt những quốc gia vừa nêu. Cho dù nguy cơ trong nước có thể thấp hơn rất nhiều đi chăng nữa, nhưng cũng không được phép chủ quan. Bởi vì cái giá phải trả dường như sẽ rất khủng khiếp.

“Phá hoại” từ bên ngoài

Đây là nguyên nhân thứ hai có thể dẫn đến phải trả giá rất đắt. Trước tiên, “phá hoại” từ bên ngoài cũng vẫn là ngôn từ của Đảng cộng sản. Làm rõ như vậy là vì chúng ta đang cố gắng hiểu lý do tại sao Đảng không thể công khai về chủ trương đa nguyên, đa đảng.

Lực lượng phá hoại từ bên ngoài, nếu không được ngăn chặn sớm, cũng liên quan trực tiếp đến cái giá phải trả rất đắt, có khi không cứu vãn được. Tất nhiên, một khi công khai, thường sẽ có sự phối kết hợp của cả “thù trong và giặc ngoài” – ý nói rằng trong và ngoài Đảng.

Đảng thừa nhận là có chủ trương?

Chúng ta trích lại nội dung từ Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá VI ở trên cho dễ quan sát:

Thừa nhận đa đảng đối lập có nghĩa là tạo điều kiện cho sự ngóc đầu dậy ngay tức khắc và một cách hợp pháp các lực lượng phản động, phục thù trong nước và từ nước ngoài trở về hoạt động chống Tổ quốc, chống nhân dân, chống chế độ. Đó là điều mà nhân dân ta dứt khoát không chấp nhận”.

Từ đoạn trích đã nêu, bản thân câu nói “Thừa nhận đa đảng đối lập …” tự nó đã có nghĩa Đảng cộng sản có chủ trương đa đảng?

Và vì vậy, đương nhiên là đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã cân nhắc rất kỹ lưỡng về việc có nên hay không nên công khai “thừa nhận đa đảng đối lập”?

Quan điểm của Ước mơ Việt?

Là quan điểm của Ước mơ Việt, nhưng cũng nên là quan điểm của những người đối lập, và nhân dân nói chung.

Trong nội dung này, chúng ta đang đặt vấn đề: Những người đối lập nói riêng nên hay không nên ủng hộ quan điểm của Đảng cộng sản? Chẳng hạn về việc Đảng không thể “thừa nhận đa đảng đối lập” một cách công khai? Tương tự, có nên tạm thời chấp nhận Điều 4, Hiến pháp về việc Đảng cộng sản lãnh đạo Nhà nước và xã hội?

Xét về những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra liên quan đến “phải trả giá rất đắt, có khi không cứu vãn được”, những người đối lập nên ủng hộ quan điểm của Đảng cộng sản. Bởi vì nguy cơ này không phải mang tính bao biện hay bịa đặt. Nói cách khác, chúng đang tồn tại rất khách quan.

Hơn thế, chúng ta cần lưu ý tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm thiểu hoặc triệt tiêu rủi ro. Điều này là để đảm bảo một xã hội hoà bình, ổn định, thì mới có cơ sở cho phát triển. Tất nhiên, một lần nữa, tham gia ủng hộ như vậy hoàn toàn không đồng nghĩa với việc chấp nhận duy trì lâu dài chế độ chính trị hiện nay. Nói cách khác, chúng ta tuyệt đối lưu ý là cần phải có lộ trình chuyển đổi hệ thống chính trị một cách an toàn. Chỉ có hệ thống đa đảng mới đảm bảo được nền hoà bình bền vững. Nếu duy trì hệ thống chính trị như hiện nay, sẽ phải trả giá rất đắt bởi tự do, dân chủ, và phát triển, trong khi nguy cơ cho nền hoà bình sẽ tăng theo thời gian.

Lưu trữ dạng tài liệu mật?

Dù không thể công khai, chủ trương đa đảng nêu trên vẫn phải được lưu trữ dưới dạng tài liệu mật? Đồng thời, chỉ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước mới biết được chủ trương này, chẳng hạn Bộ chính trị? Bởi vì chúng ta có cơ sở để tin rằng đa đảng cũng chính là tư tưởng của ông Hồ Chí Minh.

Nhưng nếu vậy, chủ trương này buộc phải được lưu trữ dưới dạng tài liệu mật, và sẽ được công khai ở thời điểm thích hợp? Vì sao vậy? Bởi vì nếu thực sự tồn tại, chủ trương đa nguyên, đa đảng phải mang tính bắt buộc đối với Đảng cộng sản trong cả quá khứ, hiện tại, và tương lai? Hơn nữa, đây không đơn thuần là đa nguyên, đa đảng? Nói cách khác, đa nguyên, đa đảng còn là giải pháp quan trọng nhất nhằm đảm bảo quyền tự do và quyền làm chủ của nhân dân?

Bạn đã từng đọc những cuốn sách như Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman, Người thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, và đã đọc nhiều tài liệu hơn thế? Bạn sẽ nhận thấy rằng có những sự thật ít nghiêm trọng hơn nhiều, tuy nhiên, vẫn phải được giữ bí mật trong những thập kỷ qua. Huống hồ đây là việc thừa nhận đa nguyên, đa đảng, mà vấn đề này lại liên quan đến cái giá phải trả rất đắt, có khi không cứu vãn được, hay liên quan đến an ninh quốc gia.

0 Lời bình

Gửi Lời bình

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *