Khám phá những điều kỳ lạ trong dự thảo Luật về hội

bởi | Th8 19, 2023

Dù chưa được thông qua, nội dung bản Dự thảo Luật về hội vẫn cho bạn biết một số vấn đề quan trọng. Ít nhất, nó chứa những ý tưởng của nhóm biên soạn. Nhưng khả năng cao hơn, bản Dự thảo cũng chứa đựng ý tưởng từ độ ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Trong bài viết này, trước tiên, chúng ta sẽ lướt qua Luật quy định quyền lập hội, được ban hành theo Sắc lệnh số 102, năm 1957, ký bởi ông Hồ Chí Minh. Tiếp theo sẽ khám phá những điều kỳ lạ trong Dự thảo Luật về Hội. Tuy nhiên, cả Luật quy định quyền lập hội và Dự thảo Luật về hội đều gần như chắc chắn hướng đến đa đảng. Trong đó, Luật về Hội dự định sẽ thay thế Luật quy định quyền lập hội ban hành theo Sắc lệnh số 102.

Từ Luật ban hành theo Sắc lệnh số 102

Luật quy định quyền lập hội ban hành theo Sắc lệnh số 102, được ký bởi ông Hồ Chí Minh vào năm 1957. Chúng ta sẽ trích nội dung quan trọng như dưới đây:

Trích nguyên văn Điều 1:

Quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta”.

Tại sao nói rằng Luật quy định quyền lập hội ban hành theo sắc lệnh vừa nêu chắc chắn liên quan đến tổ chức, thậm chí đảng phái chính trị? Bởi với các hội trong lĩnh vực khác – ngoài chính trị, đâu cần thiết phải đề cập đến “đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta”? Hơn thế, chủ trương của ông Hồ Chí Minh còn được nhắc đến cụ thể trong bài viết Có hay không chủ trương đa đảng.

Nói cách khác, theo suy đoán, nếu như việc lập hội, tổ chức chính trị – xã hội, hay lập đảng chính trị, thoả mãn Điều 1 nêu trên, nó sẽ được chấp nhận. Hiển nhiên, mục đích là vậy, việc triển khai và đi vào cuộc sống lại là một câu chuyện hoàn toàn khác do bản chất phức tạp của vấn đề.

Các Nghị định hướng dẫn sau này, chủ yếu là Nghị định 45 năm 2010, không nhắc đến mục đích nêu trên, vì vậy sẽ không được trích dẫn.

Tuy nhiên, với văn bản pháp luật ban hành theo Sắc lệnh 102 và các thông tin đã đề cập, chúng ta thấy có cơ sở để đi đến kết luận rằng chính ông Hồ Chí Minh có tư tưởng hiện thực hoá chế độ chính trị đa đảng.

Tổ chức chính trị – xã hội

Đầu tiên, hội có tính chất đặc thù được đề cập tại Điều 33, Nghị định số 45/2010. Nghị định này có cơ sở là Luật quy định quyền lập hội, được ban hành theo Sắc lệnh số 102. Cũng trong năm 2010, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/2010, quy định cụ thể về hội có tính chất đặc thù, hay chi tiết Điều 33, Nghị định số 45/2010.

Như vậy, các văn bản pháp luật nêu trên đã bao gồm quy định về việc thành lập và hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội. Tất nhiên, chúng không chứa đựng bất kỳ nội dung nào liên quan đến đa đảng.

Đến Dự thảo Luật về hội

Đổi mới hệ thống chính trị là chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam, được tin là cũng bao gồm chuyển đổi hệ thống một đảng sang đa đảng. Điều này được đặt vấn đề ngay từ bài viết Đảng đổi mới nhằm đa đảng.

Trong một loạt các nội dung được trích dẫn từ các Báo cáo chính trị ở đường dẫn nêu trên, chúng đều truyền đạt chung một ý nghĩa. Đó là gắn liền với dân chủ, hay quyền làm chủ của nhân dân, đoàn kết dân tộc, và vì lợi ích của nhân dân. Điều này hoàn toàn nhất quán với Điều 1, Luật quy định quyền lập hội ban hành Sắc lệnh số 102, ký bởi ông Hồ Chí Minh.

Nói cách khác, Luật về Hội dự kiến được ban hành có vẻ chẳng qua được kỳ vọng là nhằm hiện thực hoá hơn nữa chủ trương của ông Hồ Chí Minh, và chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam. Tuy vậy, cũng nên có một giả thuyết khác nữa, đó là ý tưởng ban hành Luật về Hội là nhằm “đánh thức” chủ trương về tổ chức chính trị – xã hội và đa đảng đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua. Nghĩa là nhờ truyền thông, các chuyên gia đã bình luận và gửi thông điệp rộng rãi đến công chúng.

Bước đi lùi của Luật về hội?

Như đã đề cập, dù chưa được thông qua, nhưng bản Dự thảo Luật về hội sẽ cho phép phân tích, đánh giá các ý tưởng trong đó. Không thể khác, những ý tưởng sẽ có mối liên hệ mật thiết với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt nam.

Xét về tính rõ ràng của mục đích, Luật về hội là một bước đi lùi so với Luật quy định quyền lập hội theo Sắc lệnh số 102. Nhìn chung, mặc dù luật ban hành theo Sắc lệnh cũng chưa thực sự rõ ràng về mục đích, nhưng tệ hại hơn, ý tưởng trong bản dự thảo của Luật về hội lại làm mất đi hoàn toàn mục đích lập hội trong bản sắc lệnh đó. Nói cách khác, đáng lẽ, Luật về hội phải tiến sát hơn, hay “gợi ý” cụ thể hơn, liên quan đến thành lập tổ chức chính trị – xã hội, hay đảng đối lập. Chẳng hạn, bằng cách giải thích rõ hơn “quyền công dân về chính trị” theo Khoản 1, Điều 14, và “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị …” theo Điều 25, Hiến pháp năm 2013, và bám sát Điều 1, Luật quy định quyền lập hội ban hành theo Sắc lệnh số 102 đã nêu.

Đành rằng, như bạn đã biết, việc cụ thể như vậy có lẽ chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam hiện nay, vì sẽ làm phát sinh những vấn đề nguy hiểm. Nhưng dù sao, xét riêng về mục đích, dự thảo Luật về hội vẫn là một bước đi lùi so với Sắc lệnh số 102.

Những điều khoản kỳ lạ

Việc phân tích các điều khoản kỳ lạ nhằm mục đích củng cố thêm cơ sở cho giả thuyết về nhiệm vụ trọng tâm của Luật về hội. Nói cách khác, một khi ban hành, luật này được tin là sẽ điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội.

Sau khi xem xét chi tiết từng trường hợp, nhận xét chung sẽ được đưa ra ở phần cuối.

Hạn chế với yếu tố nước ngoài

Trích Khoản 5, Điều 8, Dự thảo Luật về hội:

Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.

Điều này dễ dàng khiến người ta liên tưởng đến các tuyên truyền về “thế lực thù địch nước ngoài”, và các trường hợp nhận tài trợ từ nước ngoài trong những vụ án chính trị vừa qua.

Tham gia của Bộ nội vụ

Tại Khoản 1, Điều 12, Dự thảo Luật về hội có quy định:

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội hoạt động trong phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh”.

Nếu đăng ký thành lập doanh nghiệp, bạn sẽ chỉ cần nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh. Tất nhiên, doanh nghiệp của bạn có thể hoạt động trên phạm vi toàn quốc hoặc tham gia xuất nhập khẩu, hay hoạt động quốc tế nói chung.

Rõ ràng, sự tham gia của Bộ nội vụ trong việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội cần phải được đặt câu hỏi. Bởi nếu không liên quan đến chính trị, việc cấp Giấy chứng nhận chỉ cần từ cấp tỉnh trở xuống, giống như thành lập doanh nghiệp vậy.

Quản lý Nhà nước về hội

Một điểm khác thường nữa mà nếu là các hoạt động nghề nghiệp thông thường sẽ không cần phải quy định như vậy. Dưới đây là Khoản 4, Điều 28 – Nội dung quản lý Nhà nước:

Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về hội”.

Một điều hiển nhiên, trừ khi nhận dự án được tài trợ bởi ngân sách, hoặc những trường hợp đặc biệt khác, hoạt động của hội không liên quan gì đến Nhà nước. Điểm khác biệt giữa hội và doanh nghiệp là hội hoạt động không nhằm mục đích lợi nhuận. Nhưng cơ bản, giữa chúng giống nhau ở chỗ các thành viên cùng tham gia đóng góp bằng tài sản nhằm duy trì hoạt động, và cùng tham gia vận hành theo một cơ chế nào đó. Trong thực tế, thường hoạt động của doanh nghiệp phức tạp hơn nhiều so với hội.

Tại Điều 215 về Trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước trong Luật doanh nghiệp năm 2020, người ta cũng không thấy có quy định về kiểm tra, thanh tra nhà nước đối với việc chấp hành Luật doanh nghiệp.

Vậy tại sao phải có quy định thanh tra đối với hoạt động của hội? Điều gì khiến Luật thanh tra là vẫn chưa đủ? Người ta chỉ có thể suy đoán rằng việc thanh tra được kỳ vọng là nhằm đảm bảo ngăn ngừa từ xa các nguy cơ liên quan đến chính trị, trước khi chúng trở nên quá muộn. Nếu hội đơn thuần là Hội chim cảnh, Hiệp hội thép, Hiệp hội cà phê, …, quy định thêm về thanh tra nhà nước chẳng để làm gì bởi Luật thanh tra đã là quá đủ?

Đâu là điểm chung giữa chúng?

Cụ thể hơn, đâu là điểm chung của các quy định mang tính hạn chế và kiểm soát đã nêu trên trong bản Dự thảo Luật về hội?

Câu trả lời: Dường như điểm chung là nhằm hạn chế nguy cơ đến từ “các thế lực thù địch nước ngoài” nói riêng, và “các thế lực thù địch ngoài Đảng” nói chung, liên qua đến việc thành lập, hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội.

Nếu quan sát kỹ hơn Luật về hội, các nguy cơ trong Đảng dường như đã được tính toán và ngăn chặn tại Khoản 3, và Khoản 4, Điều 8, Dự thảo Luật về hội. Đương nhiên, họ còn được điều chỉnh riêng bởi các luật khác như Luật công chức, Luật công an Nhân dân, Luật quốc phòng, …, và điều chỉnh chung bởi Bộ luật hình sự, mà cụ thể hơn, chẳng hạn Chương XIII – Các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Một lần nữa, Luật về hội chưa được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, với các nội dung như trong bản Dự thảo, và với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, ngay cả khi được thông, luật này cũng sẽ luôn ở trong tình trạng rất khó triển khai. Điều này tương tự Luật quy định quyền lập hội, ban hành theo Sắc lệnh số 102 vậy. Nhưng nếu dựa vào bản dự thảo này và các sự kiện đã đề cập trong những bài viết khác, bạn vẫn có thể dễ dàng suy luận về những ý tưởng có liên quan mật thiết đến tổ chức chính trị – xã hội, đa đảng, tự do và dân chủ.

0 Lời bình

Gửi Lời bình

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *