Có hay không chủ trương đa đảng?

bởi | Th7 20, 2023

Rất dễ nhận thấy quan niệm phổ biến của người dân là Đảng cộng sản không chấp nhận đa nguyên, đa đảng tại Việt nam. Thậm chí, phổ biến tin rằng việc luận bàn hay kêu gọi đa đảng là những hành vi bị xem là phạm tội. Nói cách khác, theo quan niệm chung, việc đặt vấn đề Đảng cộng sản có chủ trương đa đảng là thứ rất vô nghĩa. Tuy nhiên, Ước mơ Việt cho rằng đó là một sự nhầm lẫn rất tai hại từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong những nội dung tiếp theo, bạn sẽ thấy những cơ sở hợp lý để đi đến khẳng định rằng Đảng cộng sản có chủ trương đa đảng. Hơn thế, bài viết cũng giới thiệu cơ sở cho thấy dường như đó chính là tư tưởng của ông Hồ Chí Minh. Vì vậy, chúng ta không nên quá bất ngờ nếu một ngày nào đó thích hợp trong tương lai, Đảng cộng sản sẽ công bố những tài liệu chứng minh rằng đa đảng là theo tư tưởng của ông Hồ Chí Minh.

Không có tuyên bố chính thức

Nếu đọc Văn kiện Đảng từ Đại hội I đến thời điểm của bài viết là Đại hội XIII, chúng ta không thấy bất kỳ tuyên bố nào của Đảng cộng sản về chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Chính xác hơn, quan điểm có vẻ được thể hiện rõ ràng nhất với câu “Không chấp nhận đa nguyên, đa đảng”. Câu nói như vậy được ghi trong Báo cáo chính trị Khoá VII.

Phân tích quan điểm của Đảng

Cụ thể hơn, chúng ta sẽ phân tích câu nói “Không chấp nhận đa nguyên, đa đảng” đã đề cập nên được hiểu theo nghĩa nào.

Sai sót hay chủ ý

Về mặt hình thức ngôn từ, đó là một câu thiếu ít nhất là chủ ngữ, hay ở dạng câu mệnh lệnh. Không khó để nhận thấy đây là khẳng định quan trọng ở một văn bản cũng rất quan trọng. Hơn thế, những văn bản như vậy thường được rà soát rất chặt với sự tham gia của nhiều cá nhân, thậm chí nhiều tổ chức trong Đảng. Trừ khi chúng ta có cơ sở để tin rằng ngay cả Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ban bí thư, và Bộ chính trị đều rất bất cẩn.

Vì vậy, người ta cần phải đặt câu hỏi: Việc thiếu chủ ngữ là sai sót hay bị để trống một cách có chủ ý? Với lập luận như trên, khả năng cao hơn, câu trả lời nên là: Chủ ngữ bị bỏ trống có chủ ý? Hoặc nếu ở dạng câu mệnh lệnh, đương nhiên nó chỉ có hiệu lực đối với đảng viên? Chúng ta sẽ phân tích chi tiết hơn ngay sau đây.

Cách hiểu theo ba giả thuyết

Chúng ta sẽ bổ sung thêm thành phần vào câu nói trên, chẳng hạn chủ ngữ, để có các ý nghĩa, hay ba giả thuyết như sau:

– Thứ nhất: Đảng cộng sản không chấp nhận tư tưởng đa nguyên, đa đảng đối với đảng viên;

– Thứ hai: Đảng cộng sản không chấp nhận đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam;

– Thứ ba: Việt Nam không chấp nhận đa nguyên, đa đảng.

Quan niệm phổ biến hơn

Như bạn đã biết, trong ba giả thuyết nêu trên, giả thuyết thứ hai và giả thuyết thứ ba là quan niệm rất phổ biến bên trong Đảng và cả ngoài công chúng. Hơn thế, đây dường như là lần đầu tiên giả thuyết thứ nhất được đưa ra.

Nên chọn nghĩa thứ nhất?

Quan niệm phổ biến là một chuyện, nhưng cần hiểu đúng bản chất của câu nói mới là vấn đề quan trọng. Về mặt suy luận, trường hợp thứ nhất có khả năng đúng cao hơn, hay khả năng đúng cho hai trường hợp còn lại là rất thấp. Bởi vì đây là văn kiện của Đảng, nên phạm vi tác động của nó chỉ có thể bao gồm các đảng viên. Ngoài ra, chúng ta sẽ kết hợp thêm phương pháp loại trừ như dưới đây.

Như đã nêu, đối với trường hợp thứ hai, Văn kiện Đảng không phải là văn bản pháp luật. Trong khi không có văn bản pháp luật nào, bao gồm Hiến pháp, cấm công dân bày tỏ quan điểm đa đảng. Tương tự, không có văn bản pháp luật nào cấm thành lập đảng đối lập với Đảng cộng sản.

Với trường hợp thứ ba, Đảng cộng sản không thể phát ngôn đại diện cho nhân dân hay đại diện cho Việt Nam. Bởi thực tế, người dân không tham gia bầu Đảng làm đại diện, ít nhất là về lý thuyết, ngay cả khi có sự tồn tại của Điều 4, Hiến pháp. Nói cách khác, có thể vào một thời điểm nào đó thích hợp trong tương lai, lựa chọn chế độ chính trị nên được thực hiện theo Luật trưng cầu dân ý.

Lý do hình thành quan niệm phổ biến

Về mặt khách quan, khi phân tích, đặc biệt là phân tích mang tính khoa học, chúng ta bắt buộc phải đưa ra cả ba giả thuyết về ngữ nghĩa như đã nêu.

Nhưng thực tế, nghĩa thứ hai và thứ ba lại mang tính phổ biến hơn. Cụ thể, có vẻ đa số tin rằng Đảng cộng sản không chấp nhận đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam, hoặc Việt Nam không chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Tương tự, người ta tin rằng chỉ có chế độ chính trị với một Đảng cộng sản lãnh đạo duy nhất được chấp nhận. Quan niệm này được xem là phổ biến cả bên trong Đảng và ngoài công chúng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cách hiểu phổ biến theo nghĩa thứ hai và thứ ba. Nguyên nhân thứ nhất được xem là có tính lịch sử từ nhiều thập kỷ qua. Chẳng hạn, Hiến pháp năm 1980 quy định Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo duy nhất.

Tiếp theo là do tuyên truyền kém hiểu biết, thậm chí mang tính chủ ý từ những kẻ cơ hội ngay bên trong Đảng cộng sản. Bởi vì kể từ Hiến pháp năm 1992, cho đến nay là Hiến pháp năm 2013, cụm từ “duy nhất” trong Hiến pháp năm 1980 đã được xoá bỏ. Đồng thời, không khó để bạn nhận thấy việc tuyên truyền các nội dung như Việt nam không chấp nhận đa đảng khá tràn lan trên không gian mạng.

Một nguyên nhân quan trọng khác nữa là do những vụ án chính trị gần đây. Những người bị xem là phạm tội có các tuyên bố liên quan đến đa nguyên, đa đảng. Vì vậy, trong bối cảnh một đảng duy nhất, người ta dễ dàng quy việc ủng hộ đa nguyên, đa đảng là những hành vi phạm tội. Hay chính xác hơn, điều này củng cố niềm tin rằng Đảng cộng sản không chấp nhận đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam. Chúng ta đã làm rõ hơn trong bài viết Những hiểu lầm phổ biến về lý do tại sao họ bị bắt.

Giả thuyết được chấp nhận

Với những phân tích trên, chúng ta có cơ sở để tin rằng giả thuyết thứ nhất chính xác hơn. Nghĩa là Đảng cộng sản không chấp nhận tư tưởng đa nguyên, đa đảng đối với đảng viên. Nói cách khác, công chúng không phải là đảng viên có quyền tự do ủng hộ hoặc không ủng hộ đa nguyên, đa đảng.

Dường như chỉ có số ít lãnh đạo cấp cao trong Đảng và Nhà nước mới biết nghĩa nào trong ba giả thuyết đã nêu là chính xác. Vì vậy, ngay cả khi giả thuyết thứ nhất được gợi ý có khả năng đúng cao hơn, bạn vẫn nên chấp nhận cả ba giả thuyết. Bởi vì nếu ủng hộ đa đảng, việc chấp nhận như thế sẽ giúp bạn định hướng các giải pháp an toàn, cho bản thân và cho tất cả mọi người.

Trong quá trình hoạt động nói chung, cũng như chia sẻ kiến thức nói riêng, Ước mơ Việt dựa trên giả thuyết thứ nhất.

Đa đảng là tư tưởng của ông Hồ Chí Minh?

Chúng ta trích dẫn nội dung từ bài viết trên trang Đại biểu Nhân dân khi viết về giáo sư Nguyễn Xiển:

Theo chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, để mở rộng hơn nữa Mặt trận Dân tộc thống nhất, được sự động viên, khuyến khích của Bác Hồ, ngày 22.7.1946 ông là một trong số 34 vị sáng lập viên Đảng Xã hội Việt Nam và được bầu làm Phó Tổng Thư ký; từ năm 1965 ông được bầu làm Tổng Thư ký thay ông Phan Tử Nghĩa và giữ chức vụ này đến ngày Đảng Xã hội tự giải thể vào năm 1988 khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử

Ngoài ra, chúng ta cũng thấy đa đảng tồn tại trong giai đoạn ông Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước. Tư tưởng này có lẽ được thể hiện rõ nét hơn trong phân tích về Luật quy định quyền lập hội, ban hành theo Sắc lệnh số 102 năm 1957, ký bởi ông Hồ Chí Minh. Tất nhiên, bạn có thể tìm hiểu thêm về lý do vì sao Việt nam xoá đa đảng.

Ngầm có chủ trương đa đảng?

Cụ thể hơn, có hay không, cho đến ngày nay, việc Đảng cộng sản vẫn đang ngầm chấp nhận chủ trương đa nguyên, đa đảng?

Trước hết, chúng ta vẫn đang tạm chấp nhận cách hiểu thứ nhất trong ba giả thuyết đã nêu trên là chính xác. Khi đó, Đảng cộng sản cũng không thể công khai thừa nhận đa nguyên, đa đảng, mà chỉ có thể ngầm chấp nhận. Mặc dù vậy, dường như với điều kiện là những người đối lập phải có ý thức kiểm soát hiệu quả các rủi ro liên quan đến “trả giá rất đắt, có khi không cứu vãn được”. Trong đó, đầu tiên, họ phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật. Hơn thế, tốt nhất, chúng ta cần hiểu được tư tưởng của những người làm luật, mà dường như không thể khác, người làm luật ở đây chính là lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản.

Bạn sẽ được phân tích kỹ hơn với giả thuyết Đảng đổi mới nhằm đa đảnglý do Đảng không thể công khai chủ trương đa nguyên, đa đảng.

0 Lời bình

Gửi Lời bình

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *