Ước mơ Việt đã và sẽ tiếp tục đề xuất các giai đoạn lớn để từng bước hiện thực hoá tự do, dân chủ, đoàn kết vì một Việt Nam hoà bình và phát triển bền vững. Khi quá trình đổi mới hệ thống chính trị luôn tiềm ẩn các rủi ro nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, thì nguyên tắc chung là phải phân tán và loại trừ rủi ro theo thời gian. Các nguy cơ càng được thảo luận rộng rãi, một cách công khai trong trong nhân dân, thì khả năng loại trừ chúng càng cao.
Trong đó, Giai đoạn I nên là phát triển phong trào tự do ngôn luận về chính trị. Mục đích là để công chúng hiểu rõ hơn về xã hội đa nguyên, chế độ chính trị đa đảng. Đồng thời, người dân cũng xác định rõ những nguy cơ mà quá trình này có thể gây ra, để cùng nhau tìm kiếm giải pháp, cảnh báo và ngăn chặn chúng từ xa.
Ước mơ Việt sẽ tiên phong tạo đột phá cho phong trào tự do bày tỏ quan điểm về chính trị.
Ở Giai đoạn II, nghĩa là sau khi thông qua Luật về Hội, luật này vẫn chưa nên thừa nhận tính hợp pháp của các đảng phái chính trị. Nói cách khác, luật chỉ thừa nhận việc thành lập và hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội. Việc thừa nhận như vậy giúp họ lớn mạnh hơn, tạo ra sự cạnh tranh để có đóng góp tốt hơn, phục vụ cho mục đích đổi mới hệ thống chính trị, đã được đề cập ở trên.
Lý do là vì:
– Thứ nhất, một lần nữa, quá trình đổi mới hệ thống chính trị có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, nên không ai được phép chủ quan;
– Thứ hai, hoạt động của tổ chức chính trị – xã hội khác xa với hoạt động của cá nhân. Khi hoạt động theo tổ chức, họ có thể đóng góp lớn hơn, nhưng tất nhiên cũng sẽ tạo ra những nguy cơ lớn hơn. Trong khi mức độ nghiêm trọng của hậu quả có thể lên đến mức “có khi không cứu vãn được”. Nói cách khác, không ai nên ngạo mạn rằng có thể tiên đoán được hết, và có giải pháp hoàn hảo tương ứng, để loại trừ hiệu quả mọi nguy cơ.
Do vậy, cần phải có thêm thời gian để họ được thử thách, và được thừa nhận bởi công chúng. Đồng thời, trong giai đoạn này, Đảng cộng sản vẫn giữ nguyên vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội theo Điều 4, Hiến pháp năm 2013. Hơn nữa, không nên có bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong các văn bản pháp luật khác, mà những thay đổi như vậy có thể làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản.
Giai đoạn III: Một số lượng nhất định tổ chức chính trị – xã hội đã có đóng góp xuất sắc nhất sẽ được thừa nhận là đảng chính trị đối lập. Việc thừa nhận như vậy nên được thực hiện thông qua một thủ tục, theo quy định của một văn bản pháp luật chính thức, có thể tạm gọi là Luật các đảng phái chính trị. Luật này sẽ quy định việc đăng ký thành lập, và hoạt động của các đảng chính trị.
Sau khi luật trên được thông qua, các đảng phái chính trị đối lập đã được cấp phép hoạt động, sẽ cùng với Đảng cộng sản đàm phán, thoả hiệp để thay đổi Hiến pháp, và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó bao gồm bỏ Điều 4, Hiến pháp, hay bỏ vai trò “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” của Đảng cộng sản.
Trên đây chỉ là đề xuất sơ bộ, và rất chủ quan, cho mỗi giai đoạn lớn trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị. Thay đổi như thế nào là tốt nhất đương nhiên phải dựa vào sức mạnh chung của toàn xã hội.